Thursday 14 June 2012

"ĐẠI NHẢY VỌT" - TỪ HUYỀN THOẠI ĐẾN LỊCH SỬ (Peter Lee - Asia Times)




Peter Lee
Asia Times   09-06-2012

Người dịch: Dương Lệ Chi
Posted by basamnews on 14/06/2012

Đại Nhảy Vọt là một thảm họa đã giết chết hàng chục triệu người, gây ra nỗi bất hạnh cho Trung Quốc và các vấn đề đạo lý về một trại tập trung, đẻ ra cuộc Cách mạng Văn hóa, đã từng là chủ đề đáng xấu hổ và bị lãng tránh.
Nhưng các huyền thoại thích hợp – chẳng hạn như lời giải thích nhàm chán về “Ba năm thiên tai”, nhắm vào Liên Xô, và nhấn mạnh lời biện giải về sự hào hiệp viển vông nhưng có vẻ như nhiệt tình cách mạng đáng ngưỡng mộ – hiện đang sụp đổ khi một thế hệ mới cảm thấy khoảng cách đủ xa để đối đầu với quá khứ đau đớn, và cùng lúc, các cuộc đua nhau để ghi lại những kỷ niệm của những người dân đã phải chịu khổ trong thời kỳ đó trước khi họ vượt qua.

Qua những nỗ lực của các nhà nghiên cứu Trung Quốc và nước ngoài, lịch sử đầy đủ hơn về Đại Nhảy Vọt đang hiện ra từ các bài tường thuật cá nhân và từ kho lưu trữ, đã phô bày sự điên rồ, đồi bại và tàn ác. Giai đoạn lịch sử này – và thiện ý không đầy đủ của chế độ hiện hành để đương đầu với nó – đang tìm thấy tiếng vọng trong chiến dịch bị mất uy tín về tân chủ nghĩa Mao ở Trùng Khánh, mà Bạc Hy Lai đã khơi dậy, và nỗ lực hình thành nghị trình về các quan chức trong ban lãnh đạo mới, dự định sẽ lên nắm quyền vào năm 2013.

Trong tiến trình đó, thời kỳ Đại Nhảy Vọt và hậu quả của nó được đặt cho một cái tên mới: Nạn Đói Lớn.

Đại Nhảy Vọt đã được sinh ra từ sự ngạo mạn: Mao Trạch Đông cá cược rằng, phiên bản chủ nghĩa xã hội của ông ta có thể giải phóng năng suất chưa từng có từ nền kinh tế Trung Quốc, cũng như để phô trương với các chính ủy kiêu căng của Liên Xô, là những người lãnh đạo Cộng sản tốt nhất và vĩ đại nhất.

Năm 1958 và 1959, Trung Quốc bị chấn động bởi các dự án lao động phá hủy khổng lồ, tập thể hóa, và điên cuồng đổ xô vào sản xuất thép. Nông nghiệp bị gián đoạn do sự chuyển đổi lao động và áp dụng sai các chương trình trồng trọt với mật độ dày hơn, khôi phục lại vùng đất khó trồng trọt và tưới tiêu quá mức. Cùng lúc đó, các lãnh đạo địa phương đã có những tuyên bố ngông cuồng rằng, sản lượng nông nghiệp sẽ tăng lên do hệ thống xã hội chủ nghĩa mới, các con số bị thổi phồng khi nó lên tới dàn lãnh đạo Bắc Kinh, và [sai lầm] chết người [là những con số này] trở thành yếu tố căn bản cho chính quyền trung ương ra các lệnh trưng thu lúa thóc.

Mọi chuyện trở nên đen tối rất nhanh khi các cán bộ địa phương làm sạch kho thóc để đáp ứng mục tiêu trưng dụng và chứng minh khả năng, lòng nhiệt huyết và sự trung thành của họ đối với cấp trên.

Một quận ở Hà Nam tuyên bố sản xuất 7 tỷ jin ngũ cốc (khoảng 3,5 triệu tấn), nhưng thực tế họ chỉ sản xuất có 2 tỷ jin, trong đó 1,6 tỷ jin đã bị trưng thu.

Vào những tháng cuối của năm 1958, toàn bộ nhà bếp công xã ở Trung Quốc – nơi các nông dân trong tập thể mới đến để ăn – hoặc là họ được phát cho cháo lỏng hoặc họ chẳng còn bận tâm để nhóm lửa. Người ta bắt đầu đói lả.
Bất chấp các nỗ lực phối hợp của các lãnh đạo địa phương và lãnh đạo cấp tỉnh để che đậy, chẳng bao lâu nó đã nhanh chóng hiện rõ ở trung tâm rằng có điều gì đó sai sót rất nghiêm trọng. Và mọi thứ trở tồi tệ hơn.

Mao Trạch Đông đã đưa ra lời giải thích phục vụ mục đích ích cá nhân ông rằng việc thiếu hụt lúa thóc là kết quả của sự trỗi dậy phản cách mạng ở nông thôn Trung Quốc, với các địa chủ cũ và phú nông thông đồng để che giấu nhà nước về việc bội thu thóc của họ.

Trớ trêu thay, việc kết tội của ông ta được củng cố bởi bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, người này đã tiến hành một chiến dịch thành công để lôi ra một triệu tấn ngũ cốc đã được nông dân liều mạng giấu giếm. Tên của ông ta là Triệu Tử Dương.

Khi tình hình ở các vùng nông thôn Trung Quốc xấu đi, các khu vực bị ảnh hưởng không được xem là khu vực thiên tai cần sự giúp đỡ bên ngoài, do đó là hang ổ tội phạm chống nhà nước, những người đã bị ép buộc phải từ bỏ những hạt thóc bất chính của họ.

Sau đó mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn. Khi tin tức về sự đau khổ lan rộng, dần dần tới tai lãnh đạo đảng, với giọng không hài lòng về chính sách của Mao, được bàn tán rộng tại hội nghị Trung ương Lư Sơn vào mùa hè năm 1959, khi Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài và người lớn tuổi trong đảng là Trương Văn Thiên mở lời chỉ trích toàn bộ chính sách Đại Nhảy Vọt.

Mao diễn giải những lời chỉ trích tại Lư Sơn là một cuộc tấn công vào chính ông ta bởi âm mưu của ứng viên Khrushchevs và dốc toàn lực phát động một cuộc chiến chính trị, được những người trung thành tiếp tay như Chu Ân Lai, Lâm Bưu và hầu hết các lãnh đạo cấp cao, chống lại Bành Đức Hoài, Trương Văn Thiên, và bất kỳ cán bộ nào được cho là chỉ trích Đại nhảy vọt.

Có đủ khía cạnh về chính trị và con người của Nạn Đói Lớn – và một hình ảnh đáng nguyền rủa của Mao như là một nhà lãnh đạo vui sướng khi giết người, hàng chục triệu người, hơn là chịu bẽ mặt do thừa nhận sự thất bại trong các chính sách của mình trước những nhân vật ngang hàng với ông ta ở Trung Quốc và Liên Xô, hoặc chấp nhận giảm bớt quyền hành và quyền lực chính trị – được tìm thấy trong cuốn sách của Tiến sĩ Frank Dikotter: Nạn đói vĩ đại của Mao (NXB New York Walker & Co, phát hành năm 2010). Theo lời của Dikotter:

Nếu ban lãnh đạo đảo ngược cách giải quyết trong mùa hè năm 1959 tại Lư Sơn, con số nạn nhân của nạn đói có thể sẽ là hàng triệu. Thay vào đó, khi đất nước rơi vào thảm họa, hàng chục triệu sinh mạng bị diệt do kiệt sức, bệnh tật, tra tấn, và đói khát.

Khi hơn 3 triệu cán bộ trong hàng ngũ đảng bị thanh trừng, những người mà sự nghi ngờ đã giúp họ làm nhẹ bớt chính sách Đại nhảy vọt (và đã tăng lên do các bổ sung mới, tàn nhẫn hơn nhưng có lẽ không đủ tiêu chuẩn để thanh trừng hơn), các cán bộ địa phương, trong sự rối loạn vì sợ hãi, giận dữ, và chủ nghĩa cơ hội, đánh đập, bị tra tấn và đã giết chết những người nông dân mà họ coi là kẻ trộm, những người giả bệnh để trốn việc và những người than phiền, trong khi cố gắng để che đậy quy mô của thảm họa từ cấp trên hoài nghi của họ.

Dikotter nói với báo Asia Times Online rằng ông kinh ngạc như thế nào khi xem các tài liệu ở kho lưu trữ ở đại lục, cho thấy khoảng 2,5 triệu người đã bị tra tấn hoặc bị đánh đến chết trong những năm tháng khủng khiếp đó.
Theo ông, có lẽ Đại Nhảy Vọt là sự kiện đặc biệt về phạm vi hoạt động giết người do chế độ và các tay chân của nó gây ra: nhiều hơn chiến dịch Đại Thanh Trừng kèm theo việc củng cố quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc đầu thập niên 1950, và nhiều hơn Đại Cách mạng Văn hóa Giai cấp Vô sản, những người mà việc sử dụng bạo lực được phơi bày rõ ở trong nước và quốc tế, tại các thành phố của Trung Quốc, nhưng hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc không phải chịu tổn thương.

Ngoài việc sử dụng bạo lực công khai, còn có vấn đề đen tối trong việc sử dụng thực phẩm của các cán bộ như một công cụ của việc thưởng – và thi hành hình phạt. Ông Dikotter lưu ý với Asia Times Online:

Bạn cung cấp thực phẩm cho ai? Bạn cung cấp cho những người đáng tin cậy … thực phẩm được sử dụng như một thứ vũ khí được phân phối theo các cân nhắc chính trị … cho những người khỏe mạnh ăn, không cho những người đau yếu, người già, người bệnh ăn…

Đau khổ tồi tệ nhất diễn ra ở các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam và Cam Túc, những tỉnh dựa vào lãnh đạo của họ khi một số [lãnh đạo ở các tỉnh này là] những người cam kết ủng hộ Mao mạnh mẽ nhất.

Không rõ con số cuối cùng về các nạn nhân là bao nhiêu, nhưng con số ước lượng gần đúng nhất là khoảng hơn 45 triệu cái chết trong giai đoạn từ năm 1958 đến 1962, khi chính phủ trung ương cuối cùng đã thừa nhận mức độ thảm họa và rút lui khỏi nông nghiệp tập thể.

Nhiều người trong số các nhà phê bình Đại Nhảy Vọt đã được phục hồi trong thập niên 1980, sau khi “bè lũ bốn tên” sụp đổ. Tuy nhiên, sự độc ác của những năm tháng đó vẫn chưa hoàn toàn bị trục xuất khỏi hệ thống của Trung Quốc.

Thế giới biến động của các tiểu blog ở Trung Quốc đã bị khuấy đục hôm 29 tháng 4 năm 2012, qua một tuyên bố được đăng tải bởi Lin Zhibo, người đứng đầu Nhân dân Nhật báo ở Văn phòng Cam Túc và, rõ ràng là người ủng hộ tân chủ nghĩa Mao và Bạc Hy Lai, “Thị trưởng Đỏ” Trùng Khánh, hiện bị thất sủng.

Để hạ gục Mao Chủ tịch, một số người thậm chí đã bịa đặt dối trá về cái chết của hàng chục triệu người trong thời gian từ năm 1960 đến 1962. Để xác nhận con số đó, một số người đã đến thăm các khu làng ở Hà Nam, nơi trải qua nạn đói tồi tệ nhất vào thời điểm đó. Kết quả là, sự thật mà họ tìm thấy được không phù hợp với những con số dối trá của họ. Nhiều dân làng đã nghe nói về những người bị bỏ đói đến chết, nhưng chính họ chưa bao giờ nhìn thấy một người, là bằng chứng trực tiếp cho thấy, có rất ít người đã chết vì đói vào lúc đó“. (Bản dịch của Offbeat China) [1]

Tuyên bố của Lin đã bị bác bỏ một cách phẫn nộ của hàng chục đáp trả từ cư dân mạng, đăng các hồi ức của cha mẹ họ về sự đau khổ khủng khiếp mà gia đình họ đã phải chịu đựng, chẳng hạn như:

Gia đình tôi đã trải qua Nạn Đói Lớn. Quê tôi là Jingyan, Lạc Sơn. Một trong những người cô (dì) của tôi kết hôn với ông Xiong ở cùng làng. Họ có tổng cộng 8 người trong gia đình, hai vợ chồng, một con trai, ngoại ông bà ngoại, và ba anh chị em. Tất cả đã bị chết đói trong Nạn Đói Lớn. Không một ai sống sót! Thảm họa đã xảy ra ngay trong thế hệ cha mẹ của chúng tôi. Vì sao Lin Zhibo dám chối bỏ điều đó?

Một yếu tố thú vị trong chuyện này là điều mà Sherlock Holmes gọi là con chó không biết sủa, hoặc trong trường hợp này, người kiểm duyệt đã không kiểm duyệt. Như Offbeat China đã nêu: “May mắn là dường như không có ai báo cáo sự kiểm duyệt về các câu chuyện của Nạn Đói Lớn trên Sine (ND: có lẽ là Sina) Weibo”.

Câu chuyện thậm chí được xuyên tạc còn thú vị hơn khi vài con số công bố nói về sự thất bại lớn nhất của Đảng Cộng sản, một chủ đề mà có thể, trong các hoàn cảnh khác, được coi là điều cấm kỵ.

Nói rõ trong phần trả lời bài viết trên tiểu blog của Lin, nhà kinh tế Mao Vu Thức (gần đây nhận được giải thưởng Milton Friedman về Phát huy Quyền Tự do của Viện CATO) hôm 2 tháng 5, đã đăng một đoạn trích cho di chuyển trên blog của ông, từ hồi ký năm 2010: Một cuộc hành trình không hối tiếc. Ông thảo luận về tầm ảnh hưởng của nạn đói, trong đó một gia đình có 12 người trong làng, nhưng chỉ có một người còn sống sót và nỗi khổ mà bản thân ông đã trải qua khi bị đuổi về Sơn Đông hồi năm 1960 vì là người hữu khuynh:

Khi cái đói hành hạ người ta, ý thức con người hoàn toàn nhường cho bản năng của họ, giống như là một cái túi da hôi hám. Người ta mất hết mọi lý tưởng và chỉ có một ham muốn, đó là “ăn”… Khi tôi ở Teng County, tôi không thể chịu đựng nổi cái đói. Toàn thân tôi sưng lên với chứng bệnh phù nề, thậm chí tôi không thể mang giày và chuyện đơn giản là khom lưng thôi, cũng rất khó khăn… Tôi có thể vượt qua được chỉ một lý do, đó là tôi đã ăn châu chấu trong suốt mùa hè và mùa thu… Tôi bắt một con và cho nó vào trong cái bao. Khi tôi có 7-8 con, tôi đưa cả cái bao vào trong lửa… và châu chấu được nướng chín… đường tiêu hóa của con châu chấu đầy thứ chất lỏng màu xanh lá cây… vô cùng đắng và rất khó nuốt. Nhưng đói làm cho người ta chẳng cần biết gì khác … Nếu tôi phải ở lại đó thêm hai tháng nữa, chắc chắn tôi đã chết. [2]

Tuần báo Người Phương Nam (Southern People Weekly), một tờ báo đăng tải về các vấn đề hiện tại và sự quan tâm về con người của Nhóm Truyền thông Miền Nam (Southern Media Group) tự do, dành trang bìa và bốn bài viết chuyên sâu, số ra ngày 21 tháng 5, đăng lời chứng của người trong cuộc, liên quan đến thảm họa của Nạn Đói Lớn.
Một câu chuyện mô tả về một người sống sót, đã dựng lên một tấm bia tưởng niệm tại quê nhà của ông ở Hà Nam cho 73 nạn nhân (trong tổng số 128 người) những người đã thất bại trong việc “vượt qua thóc gạo” để tồn tại.
Một câu chuyện khác về một người sống sót ở Cam Túc đã được một nhà văn trẻ thu thập, cho cái nhìn sâu xa hơn về những đau khổ và sự thoái hóa của thời kỳ này: một người đàn ông ăn xác người chết, đã bị vợ và con trai của ông ta xa lánh, hơn 100 người bị bịnh phù nề (bị sưng do chất lỏng tích tục trong các mô dưới da và cơ thể) những người đã bị dồn vào trong một cái lò bỏ hoang để giấu họ, không cho nhóm điều tra của ông Đổng Tất Vũ, lãnh đạo đảng cao cấp trông thấy, và họ đã chết khi bị đè bẹp dí. Một thanh niên đã lảo đảo đi ra khỏi nhà anh và ngã xuống, chỉ nghe ai đó trong nhà khẩn cầu: “Anh làm ơn chết xa hơn một chút có được không?”, có lẽ như thể để gia đình anh có thể dành chút sức tàn còn lại, đủ để chuyển và chôn xác của anh.

Kế tiếp là câu chuyện của Li Shengzhao, một điều tra viên và nỗi khổ mà ông phải chịu đựng khi bị giam giữ trong điều kiện khủng khiếp nhất, giống như Monte Cristo (gồm cả bị biệt giam hai năm trong một căn phòng tối, mang xiềng xích nặng 30 pounds) là hình phạt cho sự cố gắng để đưa những câu chuyện quá sức về Đại Nhảy Vọt ra ánh sáng.

Tuy nhiên, theo đánh giá tình trạng hiện tại liên quan đến Đại Nhảy Vọt, bài viết thú vị nhất đã được Liao Bokang mô tả, người này đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho lãnh đạo đảng chú ý đến sự đau khổ ở Tứ Xuyên.
Bốn câu chuyện trên là kết quả của những chuyến thăm bao quát và [thực hiện] các cuộc phỏng vấn, không phải được gom góp lại với nhau trong một đêm.

Tuy nhiên, phần giới thiệu câu chuyện của Liao đã được trích dẫn cụ thể và đề cập đến bài khiêu khích của Lin Zhibo, đăng tải vài ngày trước:

Trong dịp Lễ Lao Động năm 2012, khi Weibo đăng bài … đã thu được vài trăm câu trả lời, ông Liu Bokang, 88 tuổi, đã biết về điều đó. Ông lưu ý, tác giả là người có trình độ học vấn cao, có uy tín trong công việc truyền thông, và nhận xét: Bạn có thể không biết về lịch sử. Nhưng bạn không thể nói chuyện vô lý! Bộ bây giờ không có chiến dịch kiểm tra nào để dò ra và điều tra các tin đồn sai à?

Là người hiệu chỉnh, hồi ức của Liao cho thấy sự hiểu biết bên trong chiến dịch Đại nhảy vọt ở Tứ Xuyên và cung cấp chứng cứ về số người chết khủng khiếp trên địa bàn tỉnh – có lẽ từ 25%-33% (1/3) tổng dân số quốc gia.
Trong thập niên 1960, Liao là một mắt xích quan trọng trong chính quyền thành phố Trùng Khánh, giữ chức Phó Tổng thư ký Ủy ban Thành phố. Ông cũng là thư ký của Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Trùng Khánh. Lúc đó, Hồ Diệu Bang lúc đó phụ trách tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản quốc gia, đã khuyến khích các tổ chức địa phương giúp đảng chú ý đến các sự lạm dụng.

Năm 1962, Liao đi đến Bắc Kinh tham dự hội nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản và đã đưa cho Hồ Diệu Bang một báo cáo chi tiết, liên quan đến tình hình ở Tứ Xuyên. Hồ Diệu Bang, hiện được mọi người nhớ đến như là một nhà cải cách được yêu mến của Trung Quốc – đã hướng dẫn Liao đọc báo cáo cho Dương Thượng Côn, hiện đang bị nguyền rủa như là người sử dụng nắm đấm sắt trong cuộc đàn áp của Đặng Tiểu Bình tại Thiên An Môn hồi năm 1989 – lúc đó là tổng bí thư tạm thời, phụ trách Đoàn Thanh niên Cộng sản cũng như đứng đầu Ban Bí thư Trung ương.

Theo báo cáo của Liao, như Tuần báo Người Miền Nam diễn giải, Dương Thượng Côn đã được đưa cho các con số về số người chết từ 4-8 triệu, từ các phòng ban khác nhau, nhưng không tin các con số này:

Dương Thượng Côn nói với Liao Bokang: Theo anh, có bao nhiêu người thực sự đã chết ở Tứ Xuyên? Liao Bokang giơ một ngón ra, ý nói 10 triệu. …
Liao đưa cho Dương một tài liệu năm 1962… với một hồ sơ đính kèm, cho thấy rằng dân số Tứ Xuyên vào năm 1957 là 72.156.000. Cuối năm 1960, dân số còn 62.360.000. Trong ba năm, dân số của Tứ Xuyên đã giảm đi 10 triệu.
Liao Bokang nói thêm: số lượng người chết trên thực tế nhiều hơn 10 triệu. Dương trả lời: Sao anh nói thế?
Lập luận của Liao là: 1) Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên trong 1957-1960 nên được tính vào; 2) Người dân vẫn còn đang chết đói ở Tứ Xuyên từ năm 1960 đến nửa đầu năm 1962. Căn cứ vào hai điểm này, Liao tin rằng nên tính thêm 2,5 triệu người.
Liao Bokang nhớ lại: Khi Dương Thượng Côn nghe đến con số đó, ông ta vỗ đùi đồng ý. Ông ta cũng chỉ thị cho thư ký mở tủ an toàn nhỏ trong phòng họp và lấy ra cuốn sổ tay buộc bằng dây lỗi thời. Sau khi mở ra, Dương kiểm tra và tuyên bố: “Đúng là con số đó!” Trường hợp này cho thấy rằng các nhà lãnh đạo trung ương đã sàng lọc các con số khác nhau mà họ được cung cấp để cố gắng tìm ra các trường hợp thực tế.

Theo ông Liao, kết quả cuối cùng của cuộc gặp gỡ này là một bản báo cáo của ông Dương Thượng Côn gửi cho Đặng Tiểu Bình và ông Đặng quyết định gửi một đội điều tra bí mật, gồm các quan chức địa phương người Tứ Xuyên “ở cấp phòng, ban” (bởi vì các quan chức cấp Bộ đã được yêu cầu báo cáo cho tổ chức đảng địa phương khi họ đến thăm). Chỉ một thành viên của đội không phải người Tứ Xuyên, là Xiao Feng, một quan chức cao cấp ở Nhân dân Nhật báo.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập tài liệu chi tiết về thảm kịch ở Tứ Xuyên, nhưng vào lúc họ đệ trình báo cáo, các luồng gió chính trị đã quay lại ủng hộ Mao. Bản báo cáo đã bị hủy và cho đến nay, bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của nó là copy của bản thảo phần báo cáo mà Xiao Feng đã giữ lại, hiện ông đã 93 tuổi. Điều này xác nhận số người chết là 12 triệu người, 17% tổng dân số của tỉnh.

Về nỗi đau của mình, Liao là mục tiêu trả thù của chính quyền tỉnh Tứ Xuyên. Ông ấy bị buộc tội tham gia vào bè lũ chống đảng và sau đó đã trải qua hai thập niên trong các cơ sở lao động và bị giam giữ cho đến khi ông được phục hồi hoàn toàn vào năm 1982. Chơi chữ trong khẩu hiệu “Một năm trong đại nhảy vọt tương đương với 20 năm phát triển bình thường”, Liao đã châm biếm rằng “3 giờ (báo cáo cho Dương Thượng Côn về Đại Nhảy Vọt) phải làm việc đến 20 năm (bị tống giam)”.

Sau khi được phục hồi, Liao trở lại với chức vụ Bí thư Thành ủy Trùng Khánh.

Bài viết của Liao là một lời khiển trách quả quyết đối với chủ nghĩa xét lại của Lin Zhibo. Thực tế là tài liệu quan trọng còn tồn tại do Xiao Feng viết và bảo quản – từ bài viết của Lin trên Nhân Dân Nhật báo – khuyến khích thêm sự thành công của việc thực hiện.

Quan trọng hơn, có lẽ chính là hình ảnh mà nó thể hiện là, các nhà cải cách tranh đấu cho cái tốt và là cuộc chiến cần thiết chống lại chủ trương của phe cánh tả phá hoại – ở Trùng Khánh, thành trì trước đây của Bạc Hy Lai và thương hiệu của ông ta về chủ nghĩa dân tuý với tân chủ nghĩa Mao-ít, và ở Tứ Xuyên là hiện trường của thảm họa có lẽ lớn nhất trong lịch sử ảm đạm của phe cánh tả cực đoan trong ĐCS Trung Quốc.

Câu chuyện về sự táo bạo của Liao và các cộng sự của ông trong nỗ lực ban đầu của họ để có một bức thư gửi tới trung ương, gợi lên các tin tức về sự giám sát đè nặng ông Bạc, bị cáo buộc đã gây sức ép lên các đối thủ của ông.
Về điều mà ông Liao ghê tởm gọi là “anh hùng nửa vời”, nhóm đã chuẩn bị một bức thư nặc danh, đã được một người câm đánh máy (“để ông này không thể nói về bức thư”), và gửi đi từ Vũ Hán trong một nỗ lực nhằm tránh bị nghe trộm điện thoại và ngoài bì thư là từ chính quyền tỉnh đã được triển khai trong nhiều năm. Trong trường hợp tác giả của bức thư cuối cùng bị khám phá, cũng thêm vào những khó khăn chính trị không nhỏ cho ông Liao.
Bài viết mô tả phân tích của Liao về các nguyên nhân của thảm kịch ở Tứ Xuyên:

Trong thâm tâm của Liao Bokang, những câu hỏi này đã được phân tích rõ ràng. Nguyên nhân tự nhiên ư? Liao Bokang đã kiểm tra các hồ sơ khí tượng; đó không phải là vấn đề. Gửi lúa thóc ra ngoài tỉnh? Liêu Bokang đã so Tứ Xuyên với các tỉnh khác. Số lượng lúa thóc được vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh là nhỏ, ở mức độ tương đối. Kết luận: vấn đề là chính sách và Tứ Xuyên bị bỏ rơi nhiều hơn hầu hết các nơi khác“.

Kết luận này được lặp lại trong một bài viết khác về điều tranh cãi trên Hoàn Cầu Thời báo, tiếng nói của những người theo chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến, gần gũi với các quyền lực trung ương hơn là Nhật báo Miền Nam ở xa và không được tin tưởng.

Trong một bài viết ngày 4 tháng 5 có nhan đề “Đếm số người chết”, Zhao Qian đã được trích dẫn, ước tính 36 triệu người đã chết, và viết:

Fu Siming, một giáo sư ở Trường Đảng Trung ương, nói với Hoàn Cầu Thời báo rằng, tranh luận giữa các học giả hiện nay là điều dễ hiểu, và một số quan chức cấp cao trước đây đã thừa nhận, do lỗi lầm của con người đã dẫn đến thảm họa.
Sau đó, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đã chỉ ra trong một hội nghị hồi năm 1962 sau Đại Nhảy vọt, chỉ có 30% của nạn đói là do thiên tai, phần còn lại là do “lỗi của con người”.
Nhưng các nhà chức trách đã không thay đổi các tài liệu tham khảo liên quan đến “Ba năm thiên tai”, cũng không đưa ra một câu trả lời rõ ràng nào về con số chính xác, có bao nhiêu người đã chết trong nạn đói. Một số sách nói về phần lịch sử này, được các học giả Trung Quốc viết, vẫn còn bị cấm ở Trung Quốc đại lục.

Đối với các phân nhánh chính trị, ông Zhao tiếp tục nói:

Cao Siyuan, một học giả về hiến pháp và kinh tế và là giám đốc Viện Nghiên cứu Siyuan, đã nói Hoàn Cầu Thời báo rằng, lý do chính để nhiều học giả làm nổi bật phần lịch sử này là nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng về cải cách chính trị của Đại hội Đảng lần thứ 18 sắp tới, khi nhiều người trong số họ nhìn thấy rằng quản trị yếu kém đã góp phần vào nạn đói. [3]

Đây là loại thông điệp gửi tới những người cải cách muốn đưa vấn đề ra công chúng, khi những người theo đường lối cứng rắn và cánh tả của đảng đang trong tình trạng hỗn loạn, sau sự sụp đổ của Bạc Hy Lai đầu năm nay.

Ảnh hưởng quyền lực ngày càng gia tăng của Bạc Hy Lai cho thấy, không đơn giản chỉ là sự hoài nghi và lôi kéo khéo léo của ông ta về chính trị quần chúng, mà còn cho thấy mối đe dọa về sự căm phẫn của người dân đối với việc cải cách kinh tế lệch lạc và thối nát hiện nay, có thể diễn giải thành một phản ứng dữ dội chống lại những người cải cách và ủng hộ hoài niệm cách mạng của chủ nghĩa Mao.

Nói cách khác, việc chuyển sự chú ý của công chúng Trung Quốc vào Đại Nhảy Vọt có thể là vấn đề lớn hơn vấn đề lịch sử, nhân chứng, sự hồi tưởng và công bằng. Có thể việc làm này là vấn đề tốt cho hoạt động chính trị.

———-

Ghi Chú:
2. Bấm vào đây cho phần tiếng Trung.
3. Đếm số người chết, Hoàn Cầu Thời báo, ngày 4-5-2012.

Tác giả: Peter Lee viết về các vấn Đông Nam Á và mối liên hệ giữa các vấn đề này với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Nguồn: Asia Times
Photo: heritage.org
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

10 phản hồi cho  “Đại nhảy vọt từ huyền thoại đến lịch sử”





No comments:

Post a Comment

View My Stats