Thursday 21 June 2012

BÀI TƯỞNG NIỆM QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA ANH HÙNG (Võ Đại Tôn)




Võ Đại Tôn
June 17, 2012 4:54 AM

Hôm nay,
Trước bàn thờ Tổ Quốc uy danh
Những người lính già cùng thế hệ tuổi xanh
Hợp lòng chung khấn nguyện:
Bao Anh Hùng trong cõi vĩnh hằng linh hiển
Xin về đây chứng kiến Tâm Thành.
Chúng tôi,
Giữa trời lưu vong năm châu bốn biển
Dâng nén hương lòng,
trọn Nghĩa Tình đồng đội chi binh.
Chúng tôi,
Dù phai màu áo trận
Nhưng Tổ Quốc luôn hiện hữu bên mình
Và thời gian vẫn vuông tròn Trách Nhiệm.
Đứng bên này bờ đại dương,
chúng tôi hướng lòng tưởng niệm
Về Đất Tổ Quê Cha.

BỐN MƯƠI BẢY NĂM QUÂN LỰC CỘNG HÒA
NGÀY KỶ NIỆM LỪNG DANH QUÂN SỬ.

Chúng tôi,
Mang tuổi lính, và tuổi đời lênh đênh viễn xứ
Cùng vận Nước gian nan.
Từ bốn phương trời thế giới thênh thang
Vẫn còn vang bước quân hành
trên Bốn Vùng Chiến Thuật.
Theo dấu chân những Người đã khuất
Nguyện lòng son cùng với Núi Sông.
Trong ngậm ngùi chưa thỏa mộng tang bồng
Cúi xin hương linh các Anh Hùng Tử Sĩ
Phù hộ chúng tôi giữ tròn Tâm Chí
Sát cánh cùng nhau, tiếp bước kiên cường.
Từ Địa Phương Quân đến các Binh Chủng
hùng trấn biên cương,
Từ Hải Quân vượt sóng trùng dương
Đến Không Quân cánh đại bàng tung lướt gió,
Đã có bao người ngày đêm gian khổ
Vẫn bền gan, dù phải hy sinh.
Giữ yên Đất Mẹ, quên cả thân mình
Đem xương máu bảo toàn danh Tổ Quốc.
Xác thân gửi vào lòng Dân Tộc
Hồn còn sống mãi đến thiên thu.
Từ Thiên Thần Mũ Đỏ tung cánh hoa dù
Đến Cọp Rằn Mũ Nâu,
cùng bước chân âm thầm Biệt Kích.
Từ Cọp Biển Mũ Xanh,
cùng nhau tạo nên chiến tích
Lẫy lừng, Tổ Quốc Tri Ân.
Dù nổi trôi theo vận nước trong khổ nạn Toàn Dân
Chúng tôi vẫn thẳng đứng, ngay hàng, hiện diện.
Quân Lực hùng anh, lừng vang bách chiến
Thỏa chí bình sinh cho vẹn ước nguyền.
Quyết xông pha trên khắp mọi miền
Thân Lính Chiến Vì Dân luôn tiến bước.
Từ Bến Hải đến Cà Mau xuôi ngược,
Cờ Vàng bay trên Quảng Trị Cổ Thành.
Hoa Dù nghiêng đồng ruộng,
Chao bóng giữa rừng xanh.
Trên chiến địa vang dậy bước quân hành
Hay âm thầm từng đêm xuyên lòng đất địch.
“An Lộc địa, sử ghi chiến tích
Biệt Kích Dù vị Quốc vong thân!”
Trọn một đời hãnh diện áo Quân Nhân
Chung góp máu, dựng Cờ Thiêng đất Mẹ.
Chúng tôi nguyện hiến dâng đời trai trẻ
Cho Tổ Quốc tồn vinh.
Đã bao người trong khói lửa hy sinh
Không lùi bước, chắn ngang biển địch.
Thành Đinh Công Tráng vang lời truyền hịch
Đem máu xương vào chiến tích nghìn thu.
Qua Miên Lào vượt đèo núi thâm u
Reo chiến thắng, trời nung Hè Đỏ Lửa!
Tết Mậu Thân, giữ nguyên từng điểm tựa
Ngạo nghễ Cờ Vàng trên Phú Văn Lâu.
Bình Giả, Đầm Dơi, Hạ Lào,
vượt qua rừng thẳm sông sâu
Ghi tên vào Quân Sử.
Truy địch Trường Sơn, Pleime, A Lưới,
thành địa danh bất tử
Hiển hách đến muôn đời.
Hôm nay,
Chúng tôi về đây xin khấn nguyện một lời
Chung tiếp sức, không bao giờ bỏ cuộc.
Cùng thế hệ cháu con giữ nguyên cờ Tổ Quốc,
Song hành đòi lại quê hương.
Chúng tôi nguyện noi gương
Từ Chiến Sĩ Vô Danh đến Anh Hùng Tướng Lãnh
Giờ phút cuối trên miền Nam bất hạnh
Đã hiên ngang tuẫn tiết, chẳng quy hàng.
Chúng tôi nguyện làm viên gạch lót đàng
Cho Hậu Duệ ngày mai về dựng Nước.
Sát cánh, kề vai, cùng nhau tiếp bước
Cho vẹn toàn Nghĩa Khí Quân Dân.
Vì Trách Nhiệm, cuối đời mang hoài bảo góp phần
Chung truyền thống, dựng cao Cờ Chính Nghĩa.
Chúng tôi nguyện một lòng tái xây tuyến địa
Cùng Toàn Dân, Sử mới viết nghìn trang.
Một ngày mai trong ánh sáng vinh quang
Trên Đất Mẹ uy linh Cờ Tổ Quốc.
Dưới biểu tượng Tự Do giữa mùa Xuân Dân Tộc
Chúng tôi đây, luôn thẳng lối nghiêm hàng.
Cúi xin hương linh Anh Hùng một thuở dọc ngang
Về đây chứng giám.
Bao thế hệ khắc sâu vào tâm khảm
Một lời chung huyết thệ giữ lòng son.
Xin giúp chúng tôi trong Đạo Nghĩa vuông tròn
TỔ QUỐC thiêng liêng,
Vì hào quang DANH DỰ,
Vì chu toàn TRÁCH NHIỆM
Xin trọn đời Tâm nguyện hiến dâng!

Võ Đại Tôn
Hải ngoại.

5 Comments

quangphan
Vài trích đoạn trong bài viết “Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa: Suy ngẫm và tái thẩm định sau 30 năm” (ARVN: Reflections and reassessments after 30 years) về quân dội Việt Nam Cộng Hoà bởi sử gia Bill Laurie- đã phục vụ nhiều năm ở Việt Nam như là một nhân viên tình báo cao cấp-:.

…………………….Rốt cuộc thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng được cung cấp vũ khí tối tân, thay thế những trang bị thời Thế Chiến Thứ Hai mà hầu hết quân lực này phải sử dụng (khoảng đầu năm 1968 chỉ có 5% quân đội Việt Nam Cộng Hòa được trang bị súng M16), nhìn chung thì thua kém vũ khí của Việt Cộng và bộ đội Bắc Việt..
……………………..

Rồi tới cuộc tấn công 1972 của Hà Nội, một cuộc tấn công tốc chiến phối hợp phương tiện cơ khí kiểu cổ điển (a classical blitzkrieg), với đặc điểm là những vũ khí hạng nặng và những vũ khí chết người được đưa ra sử dụng như hỏa tiễn tầm nhiệt phòng không SA-7, hỏa tiễn công phá điều khiển bằng dây AT-3, những đoàn chiến xa T-54 được yểm trợ bằng mấy trăm khẩu đội hỏa tiễn 122 ly, đại bác 130 ly, hơn hẳn tất cả mọi thứ từng được Hoa Kỳ cung cấp cho lực lượng pháo binh QLVNCH. QLVNCH bị đánh tơi bời, có lúc đã gần tới kết cuộc, và sự đổ vỡ hiển hiện rõ ràng. Nhưng cái quân lực đang nằm đo ván đã đứng dậy ở tiếng đếm thứ 8, hồi phục sức lực và bẻ gãy cuộc tấn công nặng nề nhất ở Việt Nam, tính tới lúc đó.

Không ai khác hơn là học giả hàng đầu của Hoa Kỳ về Việt Nam, Douglas Pike, đã tuyên bố cuộc xâm lược của Hà Nội thất bại là vì “…Nam Việt Nam chiến đấu hơn hẳn quân đội xâm lăng đến từ phương Bắc.” Nhiều nhà bình luận, kể cả Tướng Ngô Quang Trưởng, nói tới không lực Hoa Kỳ như một yếu tố quyết định, thì đó đúng là yếu tố chính. Nhưng những điều ngụ ý nói là QLVNCH không thể chiến đấu nếu như không có không lực Mỹ, thì đã thiếu sót hai điều căn bản. Thứ nhất, quân đội Mỹ cũng chỉ được yểm trợ bằng không lực giống như QLVNCH đã được. Thứ hai, là điểm người ta ít nhìn ra: Không lực Hoa Kỳ là một yếu tố bổ sung để cân bằng với hai lực lượng vượt trội của Bắc Việt là thiết giáp và, lợi hại hơn cả, là lực lượng pháo binh hơn hẳn, hỏa tiễn 122 ly chính xác và đại pháo 130 ly gây tàn phá quy mô ở tầm tối đa 19 dặm (32 km).

Hoa Kỳ không cung cấp cho đồng minh của họ, VNCH, những vũ khí lợi hại ngang bằng, nhất là về pháo binh, như Liên Xô và Trung Cộng cung cấp cho Hà Nội. Hà Nội có hằng trăm hỏa tiễn 122 và đại pháo 130. QLVNCH không đủ đại bác để phản pháo, chỉ có 24 khẩu 175 ly, không chính xác bằng, bắn chậm hơn các loại 122 ly và 130 ly. Cả pháo đài kiên cố cũng không chịu nổi đạn 130 ly khoan hầm, nổ chậm. Tựu chung, trở lại đề tài không lực, thì không quân Việt Nam đã thi hành nhiệm vụ một cách đáng kính phục trong các trận chiến năm 1972, nhưng vẫn bị giới bình luận Hoa Kỳ hoàn toàn quên lãng. Một chuyên viên điều không tiền tuyến của Hoa Kỳ tỏ ra ngưỡng mộ một phi công A-37 của Việt Nam mà anh ta cùng thi hành một vụ tấn công không lục vào vị trí quân Bắc Việt:
“Anh ta đâm chúc đầu chiếc máy bay xuống tới tầm vũ khí liên thanh, và quả nhiên tôi thấy nhiều lằn đạn lửa vạch đường sáng bao quanh Pepper dẫn đầu. Tôi la lên báo động, thì đã thấy anh thả bom ở độ cực thấp và ghi một bàn tuyệt hảo trúng ngay bức tường. Trong những lần oanh kích tiếp theo ngay đó, các phi công của không quân Việt Nam cũng ghi bàn hoàn hảo mỗi lần đâm xuống, cũng là mỗi lần họ bị đạn phòng không bắn lên xối xả… Hỏa lực từ mặt đất vô cùng mạnh mẽ. Quân Bắc Việt có vẻ như biết rằng đối thủ của họ là người Nam Việt Nam.
“Tôi tin chắc là hai chiếc A-37 sẽ bị bắn rơi, nhưng cả hai đều xả hết bom đạn của họ trúng đích, không hề hấn gì. Hai phi công không quân Việt Nam đã trình diễn một màn tuyệt vời, và tôi ngưỡng phục lòng can đảm của họ trên cả sự thông minh. Trong giây phút đó lòng can đảm ấy đã vượt hẳn sự khôn ngoan trong những tính toán hơn thiệt về sự an toàn của cá nhân họ.”

Ðây không phải là một sự kiện riêng lẻ, theo như một quan sát viên không quân của Mỹ chứng thực:

“Không quân Việt Nam tự chứng tỏ sự trưởng thành trong cuộc tấn kích 1972… Trong trận phòng thủ Kontum KQVN thật cừ khôi, hết sức tuyệt diệu.”

QLVNCH lãnh cú mạnh nhất của Hà Nội năm 1972, mạnh hơn nhiều so với trận Tết Mậu Thân 1968, về khía cạnh quân số và hỏa lực. Ước lượng có khoảng gần 150 ngàn quân Bắc Việt đã tham chiến trong giai đoạn 1, và thêm 50 ngàn quân khác bổ sung khi trận chiến tiếp diễn. Mặt khác, trong trận Tết 1968 chỉ có 84 ngàn quân Việt cộng và Bắc Việt tham chiến, với pháo binh và xe tăng rất hạn chế. (ngoại trừ ở quân khu I).

QLVNCH tiếp tục hoạt động tốt đẹp sau khi hiệp định Paris gian lận được ký kết và bị vi phạm lập tức. Cuối Tháng 11 năm 1973 một lực lượng đặc nhiệm VNCH đã đánh đuổi sư đoàn 1 Bắc Việt ra khỏi căn cứ Thất Sơn, gây tổn thất nặng tới nỗi sư đoàn 1 này của Bắc Việt phải giải thể, số quân sống sót phải gia nhập các đơn vị khác. Ít tháng sau sư đoàn 7 VNCH tung ra cuộc hành quân lớn để quét các đơn vị Bắc Việt khỏi mặt khu Tri Pháp ở vùng giáp ranh ba tỉnh Ðịnh Tường-Kiến Tường-Kiến Phong, gây tổn thất nặng cho địch. Tri Pháp chưa bao giờ bị xâm phạm trong suốt cuộc chiến tranh, có đặc điểm là những vị trí phòng thủ kiên cố; cuộc thất trận gây hổ thẹn tới mức nhà cầm quyền cộng sản cảnh cáo các cấp là phải dấu sự thất bại đừng để bộ đội của họ biết, sợ bộ đội xuống tinh thần. Các phái đoàn Ba Lan và Hungary trong cái Ủy ban liên hiệp quân sự bốn bên bất lực, chỉ là gián điệp cho cộng sản Hà Nội. Nhưng một trong những báo cáo của họ năm 1973 xác định là không có đơn vị Việt cộng nào ngang sức với QLVNCH, và cả những đơn vị thiện chiến nhất của Bắc Việt cũng không sánh được với các đon vị Nhảy Dù và Thủy quân Lục chiến của VNCH.

Tuy nhiên đến giữa 1974 thì việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ bắt đầu từ từ siết cổ QLVNCH, và đạo quân này chỉ còn nước xuống dốc dần dần từ khi ấy. Ðến 1975 cấp số cung ứng có sẵn (Available Supply Rate- ASR) dành cho đạn đại bác đã giảm nhanh tới mức không thể chấp nhận, như theo bảng dưới đây, cho mỗi khẩu đội bắn trong một ngày:

Năm 1972 Năm 1975 Tỉ lệ giảm
Ðạn 105 ly 180 viên 10 viên; 94%
Ðạn 155 ly 150 viên 5 viên; 97%
Ðạn 175 ly 30 viên 3 viên; 90%

Mọi thứ bị cắt đến tận xương, rồi tận tủy. Nhiều binh sĩ bộ binh được cấp số đạn căn bản là 60 viên M16 cho một tuần lễ. Nhiều đơn vị cấm binh sĩ bắn M16 liên thanh, chỉ được bắn phát một. Các đơn vị chạm địch có khi bị giới hạn chỉ còn được bắn yểm trợ hai trái đạn đại bác, ngoại trừ khi bị tràn ngập. Thiếu cơ phận thay thế, xe tăng, tàu giang tuần, máy bay… nằm ụ chờ rỉ sét (“cho mối mọt ăn”). Tệ hơn nữa, binh sĩ QLVNCH và gia đình họ phải chịu thiếu thốn khi nền kinh tế bị lạm phát 50%, và 25% thất nghiệp. Một bản nghiên cứu của cơ quan DAO thực hiện năm 1974 tiết lộ 82% binh sĩ VNCH không có đủ thực phẩm cho nhu cầu của gia đình. Ðói kém và suy dinh dưỡng làm xuống tinh thần cùng khả năng chiến đấu. Tình hình những tháng sau đó càng xuống dốc, và người ta đau lòng chứng kiến một cái chết chắc chắn sẽ đến vì hằng ngàn vết thương. Một năm sau, khi chính phủ Việt Nam cuối cùng sụp đổ, và, theo như những sách gọi là sách sử, thì nhiều người Mỹ ngạc nhiên, tự hỏi tại sao mọi thứ có thể sụp đổ nhanh chóng như vậy. Lẽ ra câu hỏi đáng chú ý hơn phải là tại sao QLVNCH đã có thể chiến đấu dài lâu sau thời gian giữa năm 1974, với sự thiếu thốn về vũ khí, trang bị, đạn dược, nhiên liệu, thuốc men, với những cái bụng lép kẹp, và gia đình cũng đói khát không kém?

Khi bắt đầu sự đổ vỡ tan hoang, và đám đông hỗn độn theo lệnh ông Thiệu rút khỏi vùng cao nguyên, thì khủng hoảng và kinh hoàng xảy đến, phần nào tăng thêm vì những lệnh lạc trái ngược phát xuất từ dinh Tổng Thống. Nhưng trong sự sụp đổ nhục nhã sau cùng, vẫn có không ít những trận “Alamo” nhỏ của những người lính VNCH chiến đấu đến phút cuối.

Sư đoàn 18 đứng vững ở Xuân Lộc là một trận anh hùng ca, nhưng sự có mặt và vai trò của của Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù trong trận này không hề được biết đến. Khi quân khu II đổ vỡ và kết cuộc đã gần, sư đoàn 7 VNCH vẫn đánh bại một nỗ lực của quân Bắc Việt muốn cắt quốc lộ 14, con đường quốc lộ duy nhất nối vùng châu thổ Cửu Long vói Sài Gòn. Vào ngày cuối, gọi là “ngày quốc hận” (tác giả viết bằng tiếng Việt), một máy bay AC-119 trang bị liên thanh sáu nòng còn bay quanh Sài Gòn yểm trợ hỏa lực cho những đơn vị VNCH lâm chiến sau cùng.

Một cách tổng quát, cứ bị đói như QLVNCH đã bị thì không một quân đội nào có thể chống lại cuộc tấn công cuồng bạo của quân đội Bắc Việt, vói thừa ứ những khẩu pháo, xe tăng, vũ khí, nhiên liệu, xe tải quân, đạn dược, do khối cộng sản cung cấp. Trước một đạo quân VNCH bị rút ruột vì cắt viện trợ như vậy, quân đội Bắc Việt đã phải tung ra tất cả những gì họ có. Chừng 400 ngàn quân cộng sản, gần 90% là bộ đội miền Bắc, được đưa ra trận để đánh bại QLVNCH. Hà Nội chưa bao giờ từng tung ra một lực lượng khổng lồ và hiện đại như họ đã ném vào trận chiến năm 1975. Hà Nội chưa từng rút ra tất cả các đơn vị từ Lào, Cambodia. Về lượng, quân số 400 ngàn là gần gấp 5 số quân Việt cộng và Bắc Việt lâm chiến hồi tết 1968, trong khi về phẩm, còn có hằng trăm đại bác tầm xa, hằng trăm xe tăng, hằng ngàn xe tải, và nguyên một kho vũ khí hiện đại, Ðoàn quân viễn chinh năm 1975 có hơn gấp năm lần khả năng chiến đấu của lực lượng cộng sản hồi Tết Mậu Thân 1968.

Xem xét sự việc từ một khía cạnh khác, có thể phán đoán mà không sợ sai lầm rằng giả sử quân đội Bắc Việt bị yếu đi vì cắt giảm mức cung ứng như QLVNCH đã gánh chịu, thì họ không bao giờ có thể tung ra một cuộc tổng công kích sau cùng, mà hẳn đã yếu kém hơn thế nhiều. Ưu thế hỏa lực quyết định chiến trường, chẳng phải là điều gì mới lạ trong lịch sử quân sự.
………………………….

Câu hỏi cũng không hỏi: “Nếu quân đội Mỹ cũng bị cắt giảm cung ứng như QLVNCH vào năm 1974-1975 thì còn đứng vững được bao lâu?”

( Còn tiếp )

quangphan
( Tiếp theo)
………………………

Hầu hết người Mỹ, nếu không phải là tất cả, đều nhớ hình ảnh bi hùng của một người Trung Hoa đứng trước đoàn xe tăng ở quảng trường Thiên An Môn, nhưng không ai biết Trung Sĩ thủy quân lục chiến Việt Nam Huỳnh Văn Lượm đứng trên cầu Ðông Hà chặn đứng đoàn xe tăng Bắc Việt, tác xạ bằng khẩu súng chống tăng LAW của anh:
“Cảnh tượng anh lính TQLC nặng có 95 cân Anh trụ ngay trên đường tiến của 40 xe tăng không có ý nào muốn dừng lại, trên một khía cạnh thì là dại dột một cách khó tin. Trên khía cạnh khác, quan trọng hơn, hình ảnh này mang đầy niềm phấn khích đối với một lực lượng phòng thủ mỏng manh đến thê thảm, và với nhiều người tị nạn, ít ai trong số đó từng chứng kiến một hành động thách đố dũng cảm đến thế… Sự anh dũng lạ thường của người lính thủy quân lục chiến Nam Việt Nam này đã khiến đợt tấn công bằng xe tăng, tới lúc đó chừng như chắc chắn phải thắng lợi, đã bị mất đà tấn kích.”
…………………………

Phải chi giới này chịu khó quan hệ với quân dân Việt Nam mà họ gặp gỡ, như tôi đã làm nhiều lần, thì đám ký giả hẳn đã biết trong mắt những người Việt ấy chủ nghĩa cộng sản của Hà Nội là điều đáng khinh bỉ và kinh tởm, như một loại phản bội văn hóa và truyền thống Việt Nam. Không phải những người Việt này chiến đấu và hy sinh để bảo vệ “chế độ tham nhũng của Thiệu”, mà là để gìn giữ một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, cho con cái, và cho đất nước của họ. Một thủy quân lục chiến Việt Nam diễn giải và lột tả chân xác nhất về điều này, khi anh ta nói với tôi rằng sau khi quân đội VNCH giải quyết xong với quân đội miền Bắc, họ sẽ quay súng lại chống đám tham nhũng ở Sài Gòn. Những sự kiện thảm thiết bi thương sau năm 1975 đã chứng thực tính thuận lý và giá trị của điều quyết tâm ấy.

Giới truyền thông giải trí và giới giáo dục ở Hoa Kỳ cũng chẳng khá gì hơn, mà còn mãn nguyện khi lặp lại, nếu không phải là thêm mắm thêm muối vào cái chuyện thần thoại do truyền thông dựng lên. Một cuốn sách sử trung học được sử dụng rộng rãi ở Mỹ có chương sử về Việt Nam không hề nói đến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chỉ viết rằng: “Việt Nam hóa thất bại,” ngoài ra còn gom góp hơn 200 điều khẳng định có thể được chứng minh là sai trái và mang hoàn toàn tính chất dẫn dắt lạc hướng, trong 13 trang bài học. Có nói đến vụ tấn công sang Cambodia, nhưng không nói gì về việc quân Việt Nam Cộng Hòa tham dự đông đảo hơn lực lượng Hoa Kỳ, 29 ngàn quân so với 19,300 quân Mỹ tham chiến. Sách cũng không nói lên rằng trước khi chính thức mở chiến dịch, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã tấn công trước vào các vị trí phòng thủ của quân đội Bắc Việt ở Cambodia. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hoàn toàn vô hình, như một đề tài sẽ được trình bày nơi đây (trong cuộc hội thảo).

Phim ảnh và truyền hình lại càng tệ hơn, mặc dù có được một số phim tài liệu lịch sử. Cả cuốn phim “Bat 21”, nhằm miêu tả cuộc tìm cứu trung tá Iceal Hambleton năm 1972, không thể hiểu được tại sao đã loại hẳn sự kiện là một chiến sĩ Người Nhái Việt Nam, Nguyễn Văn Kiệt, người cùng thi hành công tác tìm cứu đó với người nhái Hoa Kỳ Tom Norris, được tặng thưởng huy chương US Navy Cross do sự dũng cảm và anh hùng của Kiệt. Làm sao công chúng có thể trông mong được biết bất kỳ điều gì khi mà chế độ “kiểm duyệt” trên thực tế đã bôi xóa tất cả và từng dấu vết của sự hoạt động gương mẫu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa?
…………………..

Có thể như vậy. Tuy nhiên những người Mỹ, người Úc đã phục vụ sát cánh những chiến hữu của họ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, “những chiến hữu, bạn bè, giống như anh em ruột,” (viết tiếng Việt trong nguyên bản) mang trong lòng họ nỗi buồn sâu xa vì đã thua cuộc, hay đã mất biết bao bạn bè tận tụy, mất cả niềm vinh dự lớn lao cho việc đã cố gắng đạt cho kỳ được một thế giới tốt đẹp hơn cho những người dân thường của Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan. Họ không bị thúc đẩy vì những quan niệm tinh vi về địa lý chính trị thế giới, nhưng đúng hơn, là do sự kính trọng và ngưỡng mộ đối với nhiều người Ðông Nam Á đã biết yêu quý xứ sở, những con người đã “thề bảo vệ giang sơn quê hương”.

Nhiều trang lịch sử còn chưa được lật ra, phản ảnh sự tiếp nối cái khuynh hướng của Hoa Kỳ chỉ toàn nhìn qua con mắt người Mỹ, bị lọc qua định kiến của người Mỹ. Một số sách vở nói đến Việt Nam như một “giai đoạn thử thách đầy khổ đau của Hoa Kỳ,” mà chưa từng một lần hỏi xem người Ðông Nam Á đã trải qua loại thử thách khổ đau nào. Ðầy dẫy những dữ kiện lịch sử quý giá và những nét quan sát sắc sảo nằm trong những cuốn sách được viết do người Việt Nam (và cả người Lào). Thiếu những sách đó, không thể nào có được sự hiểu biết toàn diện. Những tác phẩm của Lý Tòng Bá, Hà Mai Việt, Phạm Huấn, Phan Nhật Nam, Trần Văn Nhựt, và nhiều người khác, đang kêu gào đòi được dịch thuật, cũng như hằng chục bài phổ biến hằng năm trên sách báo tạp chí quân sự và các ấn bản khác. Nhiều bài trong đó mô tả những trận đánh, những diễn tiến và những nhân cách, không hề được các sử gia Hoa Kỳ biết đến. Không tham khảo những nguồn đó thì chắc chắn là chiến tranh Việt Nam, cũng là Chiến Tranh Ðông Dương của Hà Nội, sẽ mãi là những bí ẩn không thể giải đoán, và lịch sử chân thực của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ mãi bị chôn vùi dưới tầng lớp này qua tầng lớp nọ của những chuyện hoang đường, của sự không thông hiểu, và của sự giả định vô căn cứ.

quangphan
Vài trích đoạn trong bài viết Quân Y Trong Thời Chiến của bác sĩ Hồ Minh Đức cho ta thấy tình huynh đệ chi binh cao quý trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà:
……………………………

Sau Tết 1973, tình hình chiến trường có phần lắng đọng yên tĩnh, vị Tiểu Đoàn Trưởng vừa được thăng cấp, Trung Tá Toại rời tiểu đoàn thuyên chuyển đi làm Quận Trưởng ở Phú Lộc, Huế. Đại Úy Trần Quang Niệm về nhận chức vụ tân tiểu đoàn trưởng cũng vừa đúng lúc chiến sự sôi động trong vùng Quảng Nam/ Đà Nẵng. Các mặt trận bùng lên dữ dội ở Thường Đức, Đức Dục, Quế Sơn, mỏ than Nông Sơn…..

Ngoài Huế nặng nhất là vùng Động Truồi, Cầu Hai, Đá Bạc, Núi Bông, Đồi Nghệ, dãy đồi 300, Đồi Không Tên, Suối Máu….. Hậu cứ trung đội 2/14 quân y có thay đổi nhỏ, Hạ Sĩ 1 Xuân được thuyên chuyển về đơn vị không tác chiến, vì thế tôi phải đưa 1 y tá về thay chỗ ở hậu cứ. Theo đúng nguyên tắc thì người nào thâm niên nhất sẽ được về, Hạ Sĩ 1 Châu đã lội hành quân hơn 7 năm nên được ưu tiên 1 nhưng anh xin nhường lại cho Hạ Sĩ 1 Lê Lự vì Lự có gia đình vợ cùng 6 con nhỏ cần thiết hơn. Anh Châu còn độc thân nên chưa cần lắm và tôi cũng đồng ý. Số không may, Hạ Sĩ 1 Châu ở lại hành quân và đã tử trận sau đó chỉ có 7 ngày trong 1 trận đánh ác liệt trên đỉnh 300. VC tung ra 1 E+ ( trung đoàn ) cộng thêm 1 tiểu đoàn của trung đoàn 3 với quân số áp đảo. Đại Úy Đơn Tiểu Đoàn Phó cùng Trung Úy Thức Đại Đội Trưởng đã nằm lại chiến đấu để cố gắng chận không cho bọn VC xâm nhập tấn công bộ chỉ huy tiểu đoàn, nhưng vì quân số quá ít so với chiến thuật biển người thí quân của VC nên toàn thể đã hy sinh tại mặt trận. Hạ Sĩ Châu bị trúng 1 quả B40 bên cạnh hông khi anh nhoài người ra ngoài giao thông hào ném lựu đạn. Trung Sĩ Tám Trung Đội Phó Quân Y bị thương chuyển về được tuyến sau và anh đã báo tin buồn này.

Lúc lên lấy xác Hạ Sĩ 1 Châu, anh chết mà mắt vẫn mở không nhắm, tôi cảm thấy buồn và ân hận rằng nếu để Châu về làm việc tại hậu cứ thì đâu có ra nông nỗi này.

Nhưng tôi chợt nghĩ là người nằm xuống có thể là Hạ Sĩ 1 Lự sẽ là nỗi bất hạnh lớn cho gia đình vợ cùng 6 đứa con thơ của anh. Dù sao Hạ Sĩ 1 Châu ra đi cũng nhẹ gánh hơn, anh còn độc thân lại mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, chỉ còn mỗi bà chị ở xa mà thôi. Lúc trao lại kỷ vật của Châu cho gia đình anh, chúng tôi không cầm được nước mắt.
…………………….

Đầu năm 1975 tiếng súng bắt đầu nổ lại, VC quậy phá đánh chiếm 1 vài chốt lẻ tẻ vùng Tây Nam Huế, bên trong đồi Xích Mích, Mái Nhà, cao điểm 400, tấn công bộ chỉ huy tiểu đoàn 1/3 đồng lúc bắn 106 ly trực xạ, pháo 130 ly nên đơn vị này phải rút ra ngoài, chúng tôi trống lưng nên cũng phải bỏ cao điểm 400 về căn cứ hỏa lực của pháo binh 14 và tiếp tục đi về tập trung quân ở căn cứ Birmingham. Ngày 18-03-1975 tình hình yên tĩnh, tôi được đi phép thường niên, theo trực thăng về Đà Nẵng để từ đó đáp C130 vận tải cơ về Sài Gòn, tại đây tôi nghe bạn bè cho hay tình hình ở Quảng Trị báo động đỏ đồng thời Sư Đoàn 1 Không Quân đang kiểm kê bom đạn, có vẻ là sắp có gì đây. Về đến Sài Gòn ngày 19 tháng 3 tôi ghé thăm gia đình cha mẹ xong là lo trở ra Huế,

Tôi trở ra để báo cho anh em thuộc quyền biết đồng thời ký phép cho hai Hạ Sĩ 1 lớn tuổi là Lê Mịch, có vợ và 6 con ở Duy Xuyên Đà Nẵng. Lê Tế có vợ 4 con ở Hương Điền, Huế. Mỗi ông 15 ngày phép về lo thu xếp cho gia đình và chuẩn bị chiến trưòng có thể bùng nổ lớn như năm 1972. Tôi căn dặn Mịch và Tế, nếu cần thiết 2 ông có thể trễ thêm 15 ngày và tìm về đơn vị, nếu trễ hơn tôi bắt buộc phải báo cáo đào ngũ. Hạ Sĩ 1 Lê Tế xuống núi về luôn, từ đó đến nay không gặp lại, còn Hạ Sĩ 1 Lê Mịch quay trở lên hành quân ngày hôm sau vì sợ không ai lo cơm nước cho tôi.

Tình hình vẫn yên tĩnh nhưng Huế bị pháo kích, ngày 24 tháng 3 đột nhiên có lệnh rút quân về căn cứ Hải Cát. Tám giờ tối, quân của 3 tiểu đoàn 1, 2, 3 đang trên đường rút ra chỉ chạm súng lẻ tẻ, nhưng khi nghe máy truyền tin báo cho biết Hạ Sĩ Lê Mịch tử trận thì tôi thật bàng hoàng và vô cùng thương tiếc.
………………………

Gần 30 năm trôi qua, tôi sống ở vùng Alambra thuộc Los Angeles, mỗi khi nhìn lên đỉnh núi San Gabriel và căn cứ của đài truyền hình Mỹ cùng các cột anten cao ngất, tôi lại chạnh nhớ đến căn cứ Tea Point của Trung Đoàn 3 Bộ Binh uy nghi năm nào.

Tôi vẫn nhớ đến Trung Đội 2/14 Quân Y của anh em chúng tôi. Những mong có 1 ngày nào đó sẽ gặp lại các anh em y tá trong trung đội cũ và tôi vẫn tự nghĩ là mình chưa hề giải ngũ, tôi vẫn là Sĩ Quan Trợ Y như xưa, vẫn nhớ ‘’ Danh Dự – Trách Nhiệm – Tổ Quốc ‘’ mà mình còn nặng nợ chưa hoàn thành.
Hồ Minh Đức
Cựu Sĩ Quan Trợ Y 2/14 Quân Y

quangphan

.Người đi giúp núi sông
Hàng hàng lớp lớp chưa về
Người người nối tiếp câu thề giành lấy quê hương
( Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp- Nguyễn Văn Đông)
.Hôm nao nhìn lá úa rụng lác đác bên sông
Mây trôi về viễn xứ gợi tiếc nhớ bâng khuâng
Thương ai ngoài sương gió vì đất nước quê hương
Ra đi chốn sa trường vui kiếp phong sương
Thương ai vì non nước đời lính chiến gian lao
Đêm đêm nhìn tay súng lòng nghĩ đến mai sau
Thương ai vì sông núi mà khóac lấy chinh y
Thương ai mãi mãi thương ai
Thương ai đã thương ai rồi
Dù tháng năm dần trôi dù lá hoa tàn phai
Lòng vẫn nhớ thương ai
Thương ai … mãi mãi thương ai
Như gió vẫn thương trăng
Như bướm vẫn thương hoa
Thương ai vẫn thương ai hoài
( Ai Đi Ngoài Sương Gió- Nguyễn Văn Đông)
.Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn ! Xin cám ơn Người nằm xuống
(Giã Từ Vũ Khí- Nhật Ngân)

quang phan

Vài đoạn trích từ bài diễn văn của tiến Sĩ Lewis Sorley đọc tại Đại Học Kỹ Thuật Texas TTU về đề tài Reassessing ARVN. Ông Lewis Sorley hoàn tất văn bằng tiến sĩ tại đại học John Hopkins. Trong hai thập niên binh nghiệp, ông chỉ huy thiết giáp và nhiều đơn vị thiết kỵ tại Mỹ, Đức cũng như Việt Nam. Ông cũng đã phục vụ tại Bộ Lục Quân, văn phòng Tham Mưu Trưởng Bộ Binh và là giảng viên tại West Point và Đại Học Chiến Tranh Bộ Binh.
:”…Phóng viên William Tuohy đã nhiều năm phúc trình cuộc chiến cho Washington Post viết, “Một chuyện không tin được và không tha thứ được là một đại cường quốc đã bỏ rơi đồng minh yếu kém vào tay bọn Bắc Cộng. Nhưng chúng ta đã làm như vậy”.

Binh sĩ Nam Việt can đảm chiến đấu cho đến khi viện trợ bị cắt dần dần rồi ngưng hẳn. Trong vòng hai
năm sau khi ký Hiệp Định Paris, Nam Việt đã mất 59,000 quân tức là nhiều hơn số quân Mỹ tử trận trong mười năm. Nếu nghĩ rằng dân số Nam Việt chỉ bằng một phần mười Mỹ quốc thì ta thấy rằng sư thiệt hại hết sức thảm khốc và cường độ trận chiến đã cao như thế nào.

Bà Merle Pribbenow nhấn mạnh rắng sự ghi nhận của Bắc Việt cho thấy trong 55 ngày cuối cùng họ đã phải đương đầu với một chiến cuộc hết sức gay go. Đó là một chiến tích đáng ghi cho Nam Việt khi họ biết là kết cục sẽ chắc chắn như thế nào. Đại Tướng Bắc Việt Lê Trọng Tấn đã ghi, “Trong giai đoạn cuối cùng Quân Y 15 của chúng ta đã phải di tản và chữa chạy cho quá nhiều thương binh, 15 lần nhiều hơn trong trận chiến biên giới, 1.5 lần hơn trận Điện Biên Phủ và 2.5 lần nhiều hơn trong trận Hạ Lào”. Bà Pribbenow chiết tính là “Quân Đội Bắc Việt đã chịu tối thiểu từ 40,000 đến 50,000 thương binh và có thể còn nhiều hơn nữa, nghĩa là còn cao hơn tổng số tổn thất lúc quân lực Việt Nam Cộng Hoà xụp đổ theo nhận xét của các sử gia”.

Đại tá William LeGro đã ở lại DAO đến phút chót đã có một cái nhìn chính xác về sự việc. Ông nói: “Sự gỉảm quân viện Mỹ cho đến gần số không là lý do đưa đến sự xụp đổ cuối cùng”. Ông nói thêm, “Chúng ta đã làm một việc hết sức quái gở với người bạn Việt Nam”.

Gần đến ngày cuối, ông Tom Polgar đứng đầu CIA Sài Gòn gửi một điện văn ngắn ngủi: “Kết quả quá rõ
ràng vì Nam Việt không thể sống sót nếu không có quân viện Mỹ trong khi khả năng chiến tranh của Bắc Việt vẫn giữ nguyên với sự trợ lực của Nga Xô Viết và Trung Cộng”. ( Trích)

Phụ đính:

*** Một người Mỹ đã nói rất chí tình, “Quân nhân Việt không có DEROS (Ngày được trở về) như lính Mỹ chỉ phục vụ một năm ở Việt Nam. Họ chiến đấu không ngừng nghỉ năm này qua năm khác với một sức chịu đựng và lòng nhiệt thành không tưởng tượng được. Ngay sau khi cộng sản thắng trận phần đông lại còn chịu giam cầm hàng chục năm trong các trại lao cải nghiệt ngã”.

***Nói đến một đơn vị mà tư lệnh sư đoàn bị cách chức, bốn phụ tá chính bị loại, hai tiểu đoàn trưởng bị bắt sống và chin tiểu đoàn trưởng khác bị thay thế. Đó là sư đoàn Mỹ 36 tại Salermo trong Thế Chiến II.


No comments:

Post a Comment

View My Stats