Friday 22 June 2012

NGƯỜI PHỤ NỮ ĐƯỢC CẢ THẾ GIỚI TÔN VIINH (Việt Long - RFA)




Việt-Long, RFA
2012-06-22

Khôi nguyên Nobel hoà bình, lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi đang đi châu Âu trong chuyến thăm được gọi là như gió lốc qua nhiều nước, trong đó có Thuỵ Sĩ, Na Uy, Ireland, Anh quốc…

Bà Aung San Suu Kyi nhận giải Nobel hoà bình muộn 21 năm- photo courtersy nobelprize.org


Tại sao không là “quê nhà” Oxford?

Ngày thứ tư 20 tháng 6, 2012 bà Aung San Suu Kyi đã được trao tặng văn bằng tiến sĩ danh dự của đại học Oxford về luật dân sự. Người trao bằng cho nhà dân chủ nổi tiếng nhất thế giới trong nửa thế kỷ nay là Viện Trưởng đại học đường Oxford và là cựu thống đốc Hồng Kông Chris Patten.
Bà Aung San Suu Kyi đã gọi thành phố Oxford là nơi quê nhà, vì bà đã học tập và xây dựng gia đình nơi đó trước khi trở về Miến Điện vào năm 1988, "vì tiếng gọi của tổ quốc", như báo chí phương Tây đang nói. Như vậy vì sao bà lại chọn đại học Oxford của nước Anh là nơi đến thứ ba trong chuyến công du châu Âu, mà không là nơi dến đầu tiên?
Nơi đến đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi trong chuyến Âu du này là Thuỵ Sĩ. Bà được tiếp đón nồng nhiệt tại trụ sở của Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc tại Genève, nơi bà kêu gọi quốc tế đầu tư vào Miến Điện để tuổi trẻ xứ này có công ăn việc làm, sau nhiều năm Miến Điện bị ILO lên án bóc lột sức lao động của trẻ em.
Sự chọn lựa nơi đến như vậy là để nói lên với người dân Miến Điện rằng mục đích chuyến đi là vì tương lai kinh tế và chính trị của một nước Miến Điện vừa đổi mới, không phải vì những mục đích cá nhân. Vậy mục đích đó nằm trong lĩnh vực kinh tế-thương mại hay chính trị?

Thành quả

Một chuyến đi được công luận quốc tế gọi là chuyến đi lịch sử, thì mục đích hay thành quả không phải chỉ đơn thuần trong những lãnh vực ấy. Hình ảnh của nhà dân chủ Aung San Suu Kyi được hoan hô ở khắp nơi tại châu Âu sau gần hai thập niên tù túng tại đất nước quê hương của bà mang một ý nghĩa nổi bật hơn hết, là chào đón một nước Miến Điện đang đổi mới hoàn toàn sau 24 năm xiềng xích dưới ách cai trị của một nhóm quân phiệt đã tàn sát hằng ngàn người trong biến cố đẫm máu năm 1988.
Sự xuất hiện của khuôn mặt đấu tranh kiệt xuất này giống như sự hồi sinh rạng rỡ của một thành phần đối lập tưởng như đã bị chôn vùi dưới đáy mồ chính trị từ hơn 20 năm nay kể từ năm 1990 khi họ thắng cử để rồi bị quân phiệt độc tài lật đổ. Dù mang mục đích nào chăng nữa thì chuyến đi này cũng đem lại thành quả xứng đáng cho bà Aung San Suu Kyi cũng như cho nước Miến Điện khi thế giới nhìn thấy một người cựu tù của chế độ lại trở thành một đặc sứ hoà bình, đặc sứ kinh tế, thương mại, đặc sứ của tình đoàn kết và hàn gắn đổ vỡ.
Thành quả đạt được khi người ta thấy một nạn nhân của chế độ mà vẫn kiên tâm lo lắng cho tương lai của đất nước mình, và như vậy cũng đồng thời quảng bá cho một nước Miến Điện đổi mới thực sự. Nhưng người ta đừng quên là được như vậy là nhờ vào hành động của một cựu tướng lãnh trong nhóm cầm quyền cũ.

Những việc hiếm thấy

Ở mọi nơi đến bà Aung San Suu Kyi đều được các chính quyền và giới trách nhiệm tiếp đón trọng thể và thân kính rất hiếm thấy. Quốc hội Thuỵ Sĩ đứng dậy vỗ tay tiếp đón bà. Quốc hội nước Anh cũng làm tương tự. Lúc người phụ nữ của Miến Điện đích thân lãnh giải Nobel, muộn tới 21 năm, tại Na Uy, chủ tịch Uỷ Ban Nobel Na Uy Thorbjern Jagland tuyên bố rằng suốt 21 năm qua bà không những đã chứng tỏ hoàn toàn xứng đáng với giải Nobel hoà bình mà còn là một nhà lãnh đạo về tinh thần và đạo đức của cả thế giới. Tiếng nói của bà vẫn được thế giới lắng nghe dù bà bị cô lập trong phần lớn thời gian đó.
Tại Luân đôn hôm thứ năm này bà được mời đọc diễn từ trước khoáng đại lưỡng viện quốc hội của Vương quốc Anh. Đây là một vinh dự rất hiếm hoi, mà từ thế chiến thứ hai tới nay chỉ có 4 nhân vật có được, gồm Tổng thống Pháp De Gaulle, Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và Tổng thống Mỹ Barrack Obama. 2000 vị dân cử của Quốc hội và quan khách tại Vương Quốc Anh đã đứng dậy vỗ tay chào mừng bà bước vào diễn đàn…
Tất cả những hào quang đó có lẽ còn mang một ý nghĩa đặc biệt nhất, như lời ông chủ tịch Uỷ ban Nobel Na Uy nói, khi nhắc đến khôi nguyên Nobel hoà bình duy nhất chưa lãnh giải lúc còn sống vì bị tù, là giáo sư tiến sĩ Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc.
Ông Thorbjern Jagland nói ông hy vọng giáo sư Lưu sẽ không phải mất 21 năm như bà Suu Kyi để lãnh giải, và trường hợp bà Suu Kyi là môt tín hiệu quan trọng cho thấy rằng sớm muộn gì những người ủng hộ dân chủ cũng chiến thắng.

Nghĩ gì về người Rohingya?

Tuy nhiên với tất cả những hào quang đó bà Aung San Suu Kyi đã không lên tiếng một lời nào để bênh vực cho sắc tộc sơn cước Rohingya mà hiện đang xung đột với người Miến Phật giáo ở Rakhine. Lý do vì sao?
Đúng ra mọi người cũng trông chờ bà bênh vực hơn 800 ngàn người Rohingya xưa nay chỉ chờ mong được công nhận làm một sắc tộc thiểu số của Miến Điện. Tuy nhiên Miến Điện vẫn khăng khăng coi họ là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh trốn sang, trong khi Bangladesh cũng không chịu cấp cho họ quy chế tị nạn. Gần một triệu người trở thành vô tổ quốc.
Vấn đề này khó giải quyết không khác nào vấn đề người Do Thái và người Palestine khi xưa, đã không có được một mảnh đất dung thân. Nó đòi hỏi một giải pháp quốc tế thành tựu từ một hội nghị quốc tế bàn thảo tất cả những khía cạnh từ nhân đạo đến nhân quyền, pháp lý, công pháp quốc tế...
Ở vị trí một người có thể sẽ lãnh đạo nước Miến Điện sau này, bà thật khó mở lời đối với đại khối dân tộc Miến Điện. Việc này có thể gọi là một cái bẫy chính trị nguy hiểm, nên có thể thông cảm được chăng?

Việc không quên

Sau cùng, đằng sau chuyến đi này còn một điều đáng nói mà ít được nghe tới. Đó là công lao của chính quyền đương nhiệm tại Naypitaw, nói đúng hơn là công trạng của Tổng thống Thein Sein, người đã xoay chuyển đất nước Miến Điện được như ngày nay.
Thực ra công lao của nhân vật này đã được nói tới từ trước. Đã có nhiều phía công luận ca ngợi ông Thein Sein như một nhà chính trị tài ba và cương quyết. Trong vòng chưa tới 10 năm mà ông Thein Sein đã thực hiện thành công cả một kế hoạch loại trừ các tướng lãnh độc tài quân phiệt và đưa xứ ông bước sang con thuyền dân chủ, thì có lẽ nên coi ông như một Gorbachev của Miến Điện.
Tuy nhiên trước khi ca ngợi như vậy người ta còn phải chờ xem ông giải quyết vấn đề quyền lực của quân đội trong chính quyền ra sao đã.
Dù vậy, có lẽ cũng nên dành chút lời ca ngợi cho một số tướng lãnh trong nhóm cầm quyền. Nếu không có sự thức tỉnh và hồi tâm vì lòng yêu nước của họ thì đất nước Miến Điện chưa thể được như ngày nay, mà vẫn giống hệt như một số nước độc tài, công an trị. Giới lãnh đạo tham lam ở những nơi đó ôm chặt lấy quyền lợi cho phe đảng của họ, không tiếc một hành động bạo tàn nào đối với những người kêu đòi dân chủ, tự do, nhân quyền, và quyền được sống trên một mảnh đất để làm miếng ăn cho đời này và hương hoả cho đời sau.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.





No comments:

Post a Comment

View My Stats