Wednesday 13 June 2012

PHẢN HỒI CỦA NGƯỜI ĐƯỢC MỜI THAM GIA "PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM" (Đông A)





Posted by Đông A at 6/12/2012 03:07:00 PM

Ông Lê Thăng Long, vừa mới ra tù, đã phát động ngay lập tức Phong trào Con đường Việt Nam. Đây là một sự kiện tôi đánh giá là đặc biệt. Nhưng nhìn chung, có thể nói Phong trào Con đường Việt Nam là bước tiếp nối việc làm của nhóm Lê Công Định - Trần Huỳnh Duy Thức - Lê Thăng Long làm trước khi bị nhà nước Việt Nam xét xử. Điểm khác biệt, trước đây nhóm này hoạt động bí mật, còn giờ đây ông Lê Thăng Long công khai. Cách ông Lê Thăng Long công khai hóa có điểm gì đấy tương đồng với cách Nguyễn Tiến Trung từng làm, công khai hóa Đảng Dân chủ, có nghĩa là buộc chính quyền phải thừa nhận tồn tại một phong trào như thế. Do vậy vấn đề mấu chốt vẫn là có bao nhiêu người tham gia hay ủng hộ phong trào. Sự chuyển biến của xã hội nhiều khi chỉ là những phép tính số học đơn giản.

Hiện nay tôi mới chỉ thấy có một người duy nhất trong danh sách mời của Phong trào Con đường Việt Nam phản hồi công khai. Đó là ông Nguyễn Hữu Vinh, tức Ba Sàm. Nếu những người ở trong nước có thể có những khó khăn nhất định thì những người ở hải ngoại chắc hẳn không có mắc mứu đặc biệt gì. Cứ giả sử trường hợp xấu nhất là phong trào do an ninh Việt Nam dàn dựng thì một ván bài lật ngửa không phải là không hấp dẫn, thú vị và thể hiện đẳng cấp cuộc chơi. Thế nhưng, lịch sử hình như từng có một cuộc chơi như vậy. Theo Hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh:

"Hoàng Ngọc Hiến, tư duy khoa học thì tỏ ra sâu sắc, nhưng trong đời sống thực tế, nhiều khi rất nhẹ dạ, cả tin. Vào khoảng 1987, Hội văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng có mời tôi và Hiến vào nói chuyện với giới văn nghệ trong ấy. Chúng tôi ở với nhau độ một tuần lễ, sau đó, Hiến vào Sài Gòn, tôi ra Hà Nội. ít ngày sau, tôi đang ngồi ở nhà (tại Đồng Xa) thì thấy Hiến đạp xe tới. Lúc đó mới độ 8 giờ sáng. Tôi hỏi ra bao giờ. Anh nói ra sáng nay, tàu 7 giờ sáng tới Hà Nội. Tôi ngạc nhiên: vừa về Hà Nội đã vội đến tôi làm gì! Hoá ra anh vừa tham gia một đảng gọi là đảng "Nhân dân hành động" và ra Hà Nội để phát triển Đảng. Người đầu tiên anh định kết nạp là tôi. Anh nói, không sợ gì cả. Tay thủ lĩnh là một tay tiến sỹ ở Mỹ về. Rất trí thức. Đảng này đã thống nhất với cộng sản chuẩn bị ra đa đảng. Trong đảng này có một uỷ viên bộ chính trị và một thiếu tá công an cộng sản. Đảng phát triển chủ yếu vào trí thức. Anh lại hỏi, thằng Thanh nhà ông vào Sài Gòn đã có việc làm và nhà cửa gì chưa, để anh lo giải quyết cho.Tôi không tin, từ chối: "Cậu định làm chính trị à? Không sợ công an à?" Hiến có vẻ xem thường, cho tôi là thằng nhát. ít lâu sau tôi được biết đảng này phát triển mạnh ở vùng Vĩnh Long, vừa bị bắt một loạt. Tôi vào Cần Thơ, Dạ Ngân bảo thế.
Một thời gian sau, tôi gặp lại Hiến ở trụ sở văn nghệ. Tôi hỏi Hiến: "Biết gì chưa?" Hiến: "Biết rồi! Biết rồi!" Tôi lại hỏi: "Có sao không?" Hiến: "Không sao, không sao - Nhưng này, đừng nói với ai nhé!"
"

Con chim từng bị tên bắn luôn hãi sợ những cành cây cong, mặc dù đó không phải là kinh nghiệm cá nhân của chính bản thân, mà là kinh nghiệm cộng hưởng từ cá nhân khác thông qua lịch sử và xã hội. Song tôi thử hình dung nước Đức vào năm 1990. Giả sử như lúc đó có một phong trào nào đấy và phong trào đấy mời một cựu nhân viên Stasi tham gia thì anh ta phản ứng thế nào? Điều này có thể gợi mở cho chúng ta những quan sát và đánh giá  nhất định. Quay lại trường hợp Phong trào Con đường Việt Nam của ông Lê Thăng Long. Hiện nay vẫn chưa thấy phản ứng của chính quyền. Và đây cũng là điểm rất thú vị để quan sát. Song tôi dự đoán rằng nếu chẳng có ai công khai tham gia Phong trào thì chắc chính quyền cũng chẳng có phản ứng gì. Ván bài gì đây?

Sau đây là phản hổi của ông Nguyễn Hữu Vinh, tức Ba Sàm:

"Mấy bữa nay Ba Sàm liên tục nhận được email mời tham gia món này, “được” có tên sẵn trong danh sách cùng rất nhiều vị nhân sĩ, trí thức, cựu quan chức chóp bu ĐCSVN. Thấy tếu quá, xóa liền! Một bác có tên trong danh sách cũng gọi điện hỏi, rồi cả hai cùng cười cho trò con nít. Hình như thấy mồi chưa đủ hấp dẫn, lại có thêm email cho BS chức tước khá to trong nhóm (Ha ha!). Không nghĩ ông LTL dính vô trò nầy, giờ nghe phỏng vấn thì gần như chắc chắn ổng là (đồng?) tác giả món “rác” đó. Vậy cái gì đây?

1- Nếu ông LTL do được hưởng đời sống vô cùng nhân đạo trong thứ “trường học đặc biệt” vừa qua, để rồi “sướng quá hóa … rồ”, tự phát tán tài liệu, thì thông cảm, tha thứ cho ông vì một trò “quăng bom” nguy hiểm như con nít ị bậy.

2- Nếu có những kẻ dàn dựng (có thể có ông LTL tham gia) thì không thể cười rồi để đó được. Trò mèo này trước đây đã từng “nhát ma” được nhiều vị, gây “báo động giả” để vừa kiếm chác tiền bạc, chức tước, quyền bính, vừa được “bật đèn xanh” cho những chiến dịch đàn áp. Giờ lỗi thời rồi!

Giữa lúc đảng CSVN đang phát động chỉnh đốn nội bộ, khó khăn ghê gớm, nhiều vị trí thức, cựu quan chức chóp bu hưởng ứng chân thành, vậy mà lại có tên các vị đó trong danh sách “của” LTL là có ý đồ gì? Kẻ tạo dựng trò này phải bị điều tra, truy tố vì đã tìm cách chia rẽ nội bộ đảng, chia rẽ dân tộc.
"


-----------------------------------

Posted by Đông A at 6/12/2012 03:07:00 PM


Trên mạng đang ồn ào nhân vật Lê Thăng Long, người được xử nhẹ nhất trong vụ án Lê Công Định, vừa ra khỏi tù. Chuyện hết thời hạn phạt giam và ra tù không có gì đặc biệt. Điểm đặc biệt là Lê Thăng Long vừa ra khỏi tù thì trên mạng phát tán tài liệu về Con đường Việt Nam với Lê Thăng Long đứng tên. Tất nhiên ở trên mạng chúng ta không biết có đúng Lê Thăng Long đã đứng tên dưới Con đường Việt Nam hay không, hay đó là một trò bịp gắp lửa bỏ tay người. Chưa thấy báo chí hải ngoại như BBC, RFA, RFI phỏng vấn Lê Thăng Long nên chưa thể kết luận được. Nhưng nếu đúng Lê Thăng Long là người vừa khởi xướng Con đường Việt Nam thì nhân vật này quả thật rất đặc biệt. Thông thường các nhân vật dissident vừa ra khỏi tù thường không có hoạt động chính trị gì lúc ban đầu, và đặc biệt không ồn ào thu hút dư luận. Phong trào Con đường Việt Nam thấy mời khá nhiều nhân vật có tên tuổi tham gia như GS Ngô Bảo Châu, Hoàng Tụy và cả những người Cộng sản đương chức như Võ Văn Thưởng hay đã về hưu như Nguyễn Văn An... nhưng chưa thấy các nhân vật này có phản hồi gì trước công luận, có đồng ý tham gia hay không. Cũng chưa thấy có báo chí nào phỏng vấn các nhân vật được mời về quan điểm của họ về phong trào Con đường Việt Nam. Nhưng việc có mặt những nhân vật Cộng sản đương chức trong danh sách mời cho thấy hoặc phong trào này rất thơ ngây, không thực tế, hoặc đây là trò bịp bợm mua vui chưa được một trống canh. Tuy vậy cũng sẽ thú vị theo dõi diễn biến tiếp theo của câu chuyện Con đường Việt Nam này.

Trong vụ án Lê Công Định tôi đã từng bình luận nhiều, nhưng Lê Thăng Long là nhân vật mà tôi chưa từng bình luận. Điểm này cũng đặc biệt, bởi vì điều đó cho thấy đó là nhân vật mà tôi chưa đánh giá được.


-----------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats