Friday 8 June 2012

WASHINGTON - BẮC KINH ĐỌ SỨC Ở BIỂN ĐÔNG (Thanh Hà - RFI)



Thanh Hà   -   RFI
Thứ sáu 08 Tháng Sáu 2012

Lo ngại vì những tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, Thượng Viện Mỹ thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển : chủ đề thứ nhất trong phần tin quốc tế của tờ Le Monde.
Vào lúc Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển đã chính thức có hiệu lực từ năm 1994 và đã được 162 nước trên thế giới thông qua, Hoa Kỳ là quốc gia phát triển công nghiệp duy nhất không phê chuẩn văn bản này. Mỗi lần hồ sơ đó được đề cập tới thì đều gặp phải sự chống đối từ phía Thượng viện. Một số tiếng nói bên phía đảng Cộng Hòa lo ngại với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, Hoa Kỳ coi như sẽ phải trao một phần chủ quyền quốc gia vào tay các " nhà kỹ trị quốc tế " kiểm soát biển và các đại dương mà diện tích chiếm tới 70% bề mặt trái đất.

Ngay từ đầu năm 2009 tổng thống Barack Obama luôn coi việc phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển là một ưu tiên trong nhiệm kỳ, để mở đường cho Washington tham gia tích cực hơn vào các định chế đa quốc gia. Đề xuất của chủ nhân Nhà Trắng được nhiều thành phần ủng hộ, từ phía quân đội đến các tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ, nhưng hồ sơ này vẫn dậm chân tại chỗ.

Lần này, chính quyền Obama đang vận động lại Thượng viện trong bối cảnh Washington muốn cân bằng tương quan lực lượng so với Trung Quốc tại Châu Á-Thái Bình Dương. Nhà Trắng cho rằng Hoa Kỳ phải phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển thì mới có đủ trọng lượng khi cần can thiệp vào khu vực Biển Đông, tâm điểm trong mối căng thẳng giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines do nơi đây có những dự trữ dầu khí tiềm tàng.

Le Monde nhắc lại lời Ngoại trưởng Hillary Clinton, nhân buổi tường trình hôm 23/05/2012 trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, theo đó, " việc phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển sẽ bảo đảm cho Hoa Kỳ về phương diện giao thông trên biển, tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn khi nước Mỹ cần phải khẳng định chủ quyền, kể cả tại những vùng biển có tranh chấp như Biển Đông hay vùng biển Nam Cực ".

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry nhấn mạnh : " Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang đưa ra những đòi hỏi bất hợp pháp về chủ quyền ở Biển Đông (…) Phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc sẽ có lợi cho Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực để giải quyết những vấn đề trên biển ".

Bên cạnh yếu tố pháp lý, chính quyền Obama còn nêu ra những lợi ích kinh tế một khi Hoa Kỳ phê chuẩn luật biển của Liên Hiệp Quốc. Lợi thế quan trọng nhất là quyền khai thác và thăm dò dầu khí dưới lòng đại dương.

Lập trường của cựu đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, John Bolton hoàn toàn trái ngược với quan điểm của ông Kerry và của bộ Ngoại giao. Theo ông, việc Washington phê chuẩn văn bản nói trên sẽ càng làm dấy lên hiềm khích giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào lúc mà Bắc Kinh đang " nỗ lực kềm hãm hải quân Mỹ ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ". Hơn nữa, theo ông John Bolton, việc phê chuẩn Công ước về luật biển chưa chắc đã đem lại hiệu quả mong muốn, bởi vì Washington và Bắc Kinh có hai cách diễn giải rất khác nhau về luật biển quốc tế.

Kết thúc bài báo, Le Monde cho biết là Thượng viện Mỹ sẽ không nghiên cứu khả năng phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển từ nay cho đến ngày bầu cử tổng thống 06/11/2012, tránh để gây khó khăn cho phía đảng Cộng Hòa.


----------------------------------------

Xung đột vũ trang ở Biển Đông - Bản ghi nhớ số 14 về kế hoạch đối phó với các sự cố bất ngờ (COFR/ Ba Sàm)




No comments:

Post a Comment

View My Stats